VIMC lọt top 10 doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả hoạt động cao nhất giai đoạn 2020-2022

Đăng: 14:43 18-06-2024  |   Tác giả:   |   Nguồn: https://vimc.co/

Trong bối cảnh kinh tế đầy biến động, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã chứng tỏ vai trò quan trọng của mình không chỉ trong ngành hàng hải mà còn trong sự phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế được công bố tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước, diễn ra ngày 15/6 tại Hà Nội. VIMC đã ghi dấu ấn mạnh mẽ khi đứng thứ ba trong danh sách 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) cao nhất giai đoạn 2020 – 2022.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2020-2023, ROE trung bình của 60 DNNN có xu hướng tăng từ năm 2020 đến năm 2022 (từ 9% lên 15%) và giảm vào năm 2023 (chỉ còn 10%); ROA trung bình trong giai đoạn này giao động ở mức 4%-6%.

Danh sách 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt mức ROA, ROE cao nhất trong giai đoạn 2020-2022.

Danh sách 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt mức ROA, ROE cao nhất trong giai đoạn 2020-2022

Dẫn số liệu do Bộ Tài chính cung cấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống kê 10 DNNN có ROE và ROA cao nhất trong giai đoạn 2020 – 2022, VIMC đứng thứ ba đồng thời được ghi nhận là doanh nghiệp có sự chuyển biến rất tốt với ROE đạt 19% và ROA đạt 9%.

ROA và ROE là hai chỉ số quan trọng trong việc đánh giá hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp.

Trong đó, ROA – tỷ suất lợi nhuận ròng trên tài sản, là chỉ tiêu đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng tài sản của công ty, cung cấp cho nhà đầu tư thông tin về các khoản lãi được tạo ra từ lượng vốn đầu tư (hay lượng tài sản).

ROE – tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu, là tỷ số quan trọng nhất đối với các cổ đông, đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn của cổ đông thường. Chỉ số này là thước đo chính xác để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích lũy tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận. Tỷ suất ROE càng cao chứng tỏ ban điều hành công ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, cho nên chỉ số này thường là một tiêu chí quan trọng để xem xét cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp.

Trên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu MVN, VIMC là doanh nghiệp lớn nhất ngành hàng hải với vốn hóa thị trường vượt 52.000 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD). Với sự gia tăng mạnh mẽ trong các chỉ số tài chính quan trọng, VIMC đang khẳng định vị thế vững chắc của mình trong ngành hàng hải Việt Nam và trên trường quốc tế. ROE đạt 19% và ROA đạt 9% là minh chứng rõ ràng cho chiến lược kinh doanh và khả năng quản lý vốn hiệu quả. Điều này không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam

Thủ tướng chủ trì Hội nghị làm việc với doanh nghiệp Nhà nước- Ảnh 1.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với DNNN tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các DNNN, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô lớn như VIMC cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường tích luỹ, tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, trở thành đầu tàu lớn ngang tầm khu vực và thế giới, vươn lên khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.

“Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu. đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Được thành lập vào ngày 29/4/1995 theo Quyết định số 250/TTg của Thủ tướng Chính phủ, VIMC mang trong mình sứ mệnh là doanh nghiệp nòng cốt của ngành hàng hải Việt Nam. Với định hướng phát triển kinh doanh trong ba lĩnh vực chính gồm vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, VIMC đã không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là vận tải container

Hiện tại, VIMC là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về năng lực cung ứng trong chuỗi dịch vụ hàng hải. VIMC đang sở hữu 34 doanh nghiệp thành viên, là đơn vị sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước, với  tổng trọng tải hơn 2 triệu tấn, chiếm hơn 20% tổng dung tích đội tàu quốc gia.

Với lĩnh vực cảng biển, VIMC có 16 doanh nghiệp, quản lý khai thác hơn 13.000 mét cầu bến, chiếm khoảng 30% tổng số mét cầu bến quốc gia. Một số cảng trọng điểm do VIMC quản lý bao gồm cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng, cản Cần Thơ, cảng Quy Nhơn…

Trong năm 2023, sản lượng vận tải biển toàn VIMC đạt 20,6 triệu tấn; sản lượng hàng thông qua cảng đạt 113,5 triệu tấn mang lại doanh thu 17.964 tỷ đồng và đạt lợi nhuận  2.084 tỷ đồng. Trong năm 2022 – 2023, VIMC được xếp hạng trong Top 100 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, và được VietNam Report tôn vinh là doanh nghiệp có khả năng tạo lợi nhuận cao, có tiềm năng trở thành những trụ cột cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.